August 04, 2007
Nước mắt Hoa Tình Thương
Giao Chỉ
Ở San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc từ thiện rắc rối. Thăm phụ nữ trong tù. Thăm các em thiếu niên trong trại quản giáo. Mới đầu thì chỉ giới hạn thăm nom người Việt Nam trong vòng lao lý. Sau rồi mở rộng thăm viếng tất cả mọi trẻ em ở tù. Công việc tiến hành đều đặn và đã trở thành truyền thống hàng năm.Sáng kiến hay nhất là mua hoa đem vào trại tù thiếu nhi dạy các em làm một giỏ hoa. Đến ngày Mother day, lễ Tạ ơn hay Giáng sinh mẹ em vào thăm, em bé tù thiếu nhi có món quà cho mẹ. Thật không còn gì hay hơn. Giới chức Hoa Kỳ rất ngưỡng mộ. Các nhân viên xã hội rất hoan nghênh.
Người đứng ra tổ chức các chương trình thăm viếng như thế được trại tù đặt tên là Flower Lady. Cô tên thực là Hoàng mộng Thu, suốt đời hăng hái làm việc thiện nguyện. Đôi khi hơi quá hăng hái nên cũng gặp trở ngại, nhưng với tấm lòng chân thành, Flower Lady vượt qua mọi khó khăn.Rất ít người biết về cuộc sống riêng tư của thiếu phụ Việt Nam bôn ba lận đận nầy. Cô lập gia đình với ông người Thái Lan khi mới qua Mỹ. Sinh hạ được 3 người con thì chia tay đôi ngả. Nhưng Hoàng mộng Thu rất bằng lòng với 3 đứa con trưởng thành và xinh đẹp : 2 con gái, một con trai .
Những đứa con gái theo mẹ Việt Nam tham gia sinh hoạt cộng đồng từ lúc còn thơ ấu nhưng lại biểu diễn tài nghệ múa hát theo máu huyết của ông bố Vọng Các.Con gái đầu lòng Michelle năm nay 25 tuổi là giai nhân mang hai dòng máu Á Châu: Thái Việt .
Michell Tran tại công viên Yosemite. Photo: IRCC
Tốt nghiệp Đại học Berkeley với hai văn bằng kinh tế thương mại và quản trị hành chánh. Và em cũng mới có nửa mối tình đầu. Một chàng trai Việt Nam. Tương lai cô bé con gái của Flower Lady như nụ tầm xuân mới nở hết sức tốt đẹp.
Cho đến tháng 2 năm 2007 Michelle thấy nhức đầu khó chịu trong người.
bèn đi khám bệnh, tưởng là chuyện bình thường. Nhưng rồi bản án của y khoa rơi xuống số mệnh của cô bé bất hạnh như trời xập.
Em đã bị bệnh Leukaemia. Một thứ ung thư máu nguyên do vì bạch huyết cầu phát triển nhưng không còn khả năng hữu dụng.
Đó là mầm bệnh mà 36 năm trước trong chuyện tình “Love story”, cô vợ trẻ mới cưới của chàng sinh viên Hoa Kỳ đã phải chịu đựng rồi qua đời trong vòng tay người yêu làm cả nước Mỹ nhỏ lệ.
Sau khi thử máu đã xác định bệnh lý. Người ta giữ em lại nhà thương để làm Chemotherapy ngay lập tức. Bây giờ chữ nghĩa Việt Nam gọi là “Hóa chất trị liệu”. Nhiều gia đình chúng ta có bệnh nhân ngày nay đã quen thuộc gọi là đi làm “Ki mô”. Thường là những bệnh nhân lớn tuổi khi cơ thể cũng như các tế bào bắt đầu lão hóa dễ mắc ung thư. Nhưng ở đây,số phận không đợi tuổi.
Và em phải xin nghỉ việc để đi vào con đường đó dù mới ở tuổi hoa niên. Cuộc đời của em ngày nay là sống để chữa bệnh. Michelle tuyên chiến với một căn bệnh hiểm nghèo nhất của nhân loại. Bệnh Ung Thư.Vì em còn trẻ nên bác sĩ cho điều trị Chemo liên tiếp cả tuần. Một tháng của em bây giờ không phải là chu kỳ 30 ngày mà là 5 tuần lễ. Sau 1 tuần từ nhà thương trở về, em phải qua 2 tuần liền chịu đựng rất mệt nhọc, và lo về quản trị hành chánh. Bây giờ các con số rơi rụng hết, em tự theo học về y khoa, và chỉ học về một bệnh duy nhất mà mầm bệnh nằm trong máu của em. Em biết có bao nhiêu cơ hội sống và bao nhiêu phần sẽ ra đi. Em có 50% sẽ qua khỏi nếu đi trên con đường Chemo. Nhưng trên cuộc hành trình nầy nếu em gặp được may mắn có dịp ghép đúng tế bào tủy sống của 1 người vô danh trên thế giới thì việc điều trị sẽ đầy triển vọng .
Do đó mẹ của em, cả nhà của em, và tất cả thân nhân đều nhẩy vào một mặt trận mới. Đó là chiến dịch đi tìm người hiến máu liên quan đến việc cứu bệnh nhân ung thư máu .Hoa Kỳ có cả ngàn bệnh nhân trong danh sách chờ phép lạ. Cũng tại Mỹ có hàng triệu người đã đồng ý ghi danh cho máu liên quan đến bệnh này. Tiếc thay, bệnh nhân Á Châu vốn hy vọng nhiều ở người Châu Á thì dân Việt Nam ta có rất ít người ghi danh.
Một thoáng y khoa
Thống kê cho biết tại Hoa Kỳ có 7 triệu người ghi danh đồng ý sẽ hiến máu hoặc tủy cho người bệnh. Nhưng không phải cho máu thông thường. Hai người có những dữ kiện máu và tủy giống nhau là chuyện hiếm có. Khi phát giác ra mầm bệnh, các con số thần bí của y khoa ghi nhận ám số riêng của bệnh nhân và lập tức lên máy điện toán để dò xem có ai trùng hợp trong số người đã tình nguyện.
Michelle được đưa dữ kiện lên dò một lượt với 7 triệu người ghi danh. Chờ đợi kết quả hết sức xúc động và thường rất ít hy vọng. Đúng như vậy, trong số hàng tỉ người sống trên mặt đất chỉ có 7 triệu người ghi danh.Và trong 7 triệu này không có ai trùng hợp với máu huyết của Michell. Một người nào đó đang ở nơi nào có những dữ kiện trùng hợp nhưng lại chưa ghi danh. Vì vậy tên của cô chuyển qua danh sách 6 ngàn người ngồi chờ.Thực sự trong nhiều năm qua, cũng đã có hàng chục ngàn người đã gặp phép lạ. Bị phát giác ra căn bệnh nầy, lên máy gặp ngay quý nhân ở chân trời. Liên lạc và thuyết phục lại, người ta chịu mất công nhận lời chính thức là mình sống lại cuộc đời mới.
Ngay tại San Jose, đứa bé Việt Nam 14 tháng tuổi con Bác sĩ Đỗ Lâm đã bị ung thư máu. May mắn thay, từ tiểu bang Washington, ông cảnh sát, trong danh sách có điều kiện trùng hợp. Đứa bé được cứu sống bây giờ 7 tuổi do ông cảnh sát to lớn xa lạ đã tái tạo một mầm sống từ đất chết.
Thêm người Việt Nam trong danh sách, hy vọng của Michelle cũng cao hơn. Tuy nhiên dù sao cũng vẫn cần phép lạ. Phép lạ không có tỷ lệ.
Chắc chắn Michelle biết rằng em sẽ chỉ còn trông cậy vào Chemo để chiến đấu với cuộc đời. Năm mươi , năm mươi. Cả em và mẹ em đều nhất quyết dành phần đời còn lại cho cuộc chiến đấu sinh tử. Dù cho số người ghi danh tăng thêm nhưng duyên mới chưa đến thì cũng tạo cơ may cho người khác. Mỗi khi có thêm 100 người hay 1 ngàn người ghi danh vào danh sách mới là lại có một vài người trong danh sách chờ đợi được trúng số. Và hy vọng rằng thông tin này góp phần nhỏ bé vào một nhu cầu vĩ đại của nhân loại.
Project Michelle
Cố gắng vận động cho nhiều người Việt nam ghi danh tham dự.
Nếu đang ở các nước trên thế giới rất có thể đến các nhà thương địa phương hỏi thăm, thế nào cũng có tin tức. Hãy ghi danh và thử nghiệm. Rất giản dị và rất căn bản. Bước đầu chỉ là lấy một chút nước miếng để thử nghiệm. Tên tuổi và dữ kiện sẽ đưa về Hoa Kỳ. Mỗi ngày đều có bệnh nhân mới lên máy để dò tìm. Nếu mà trúng người, sẽ được khám nghiệm rồi bảo trợ du lịch qua Hoa Kỳ. Làm 1 chuyến Mỹ du, cứu đựơc một người, mà công việc chỉ là lấy máu trong giây phút.
Rất tiếc tại Việt Nam hiện nay thì mới có văn phòng tại Thái Lan. Có thể trong tương lai gần sẽ mở tại Sài Gòn. Ngay tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, nếu độc giả có lòng, ở đâu cũng có nhà thương. Nhà thương nào cũng có các văn phòng lập danh sách để chúng ta tình nguyện cho máu cứu người bị bệnh này. Muốn là được, chẳng có gì khó cả.
Nếu bạn từ 18 đến 60 tuổi, không có bệnh nan y đều được thử để ghi tên vào danh sách. Khi có đúng người cần, việc nầy cũng như là 2 bên cùng trúng số. Bệnh nhân trúng số vì có qúy nhân phù trợ. Người ghi danh trúng so ãvì trời giao cho nhiệm vụ cứu người.Chỉ cần 1 chút nước miếng thử nghiệm khi ghi danh, rồi đến khi thực sự cần mới lên đường đi lấy chút máu hay 1 chút tủy sống trong chốc lát. Bạn trở thành anh hùng cải tử hoàn sinh cho Michell hay 1 người nào khác trong số 6,000 người đang chờ đợi sống chết từng ngày.
Xin bà bầu cuống rún
Trên con đường giúp cho việc làm sống lại 1 người sắp chết, chẳng phải chỉ có chúng ta mới làm được mà ngay đứa bé chưa ra đời cũng có thể trở thành Thượng đế. Tại ngân hàng y khoa Hoa Kỳ, người ta lưu trữ cuống rún của trẻ sơ sinh mới cắt rời từ bà mẹ.
Trong cuống rún này có những mầm non của tế bào rất hữu hiệu dành chobệnh nhân chờ đợi sự may mắn trùng hợp. Vì vậy nếu các bà mẹ có bầu cho bác sĩ biết bà tình nguyện tặng cuống rún để phục vụ cho y khoa, bà sẽ là người mở đường cho đứa con chưa ra đời của bà trở thành ân nhân của người bệnh nan y.
Đúng như vậy, cuốn rún vốn là tài sản của đứa bé nhưng không ai lưu ý thìsẽ bỏ đi , nếu trao tặng sẽ thành phép lạ.Bà mẹ Việt Nam đọc tin nầy, bà có muốn khai sinh 1 đứa bé vừa ra đời đã trở thành thiên thần làm sống lại 1 người khác. Người khác đó có thể là Michelle.
Mẹ khóc con khóc
Tin tức đưa lên truyền hình của Việt TV, câu chuyện của Michelle đã làm cho ông quay phim kiêm đạo diễn Lại đức Hùng phải bỏ máy lau nước mắt. Trên TV Việt Nam của CaliToday bà mẹ Flower Lady khóc quá chừng làm đứa con vừa khóc theo vừa dỗ dành cho mẹ. Qua hình ảnh ghi nhận được, khán giả tưởng chừng chính bà mẹ là nạn nhân và cô gái là người an ủi. Chị Hoàng mộng Thu trải qua 12 năm vào tù ra khám chỉ để thăm những đứa trẻ trong trại giáo hóa thiếu tình thương. Flower Lady đem tình thương reo rắc khắp mọi nơi. Ngày nay, không ngờ mẹ con lại ôm nhau khóc để kêu gọi tình thương của mọi người. Cháu Michelle chịu đựng Chemo rất nặng nên rồi đây sắc diện sẽ thay đổi. Tóc sẽ không còn đen mướt như xưa. Mặt sẽ không còn sinh khí mạnh mẽ như ngày nào. Tình yêu đến, tình yêu đi nào ai biết, nhưng em cương quyết giữ vững một tấm lòng kiên trì chiến đấu với số mệnh mong manh của cuộc đời. Michelle nói rằng em vẫn còn có được 50% chiến thắng. Em chiến đấu cho sinh mạng của em và em chiến đấu cho niềm hy vọng của me.
Chúng tôi ngồi coi cảnh thu hình câu chuyện trên TV.Mẹ Thu ngồi kể lể mà nước mắt chan hòa. Con gái Michelle nhìn mẹ như một đứa bé thơ ngây lạ lẫm lần đầu thấy mẹ khóc. Trên khuôn mặt trẻ thơ căng thẳng, nước mắt của em cũng ngập ngừng chẩy ra.
Nước mắt con, nước mắt mẹ. Nước mắt của Hoa Tình Thương, của Flower Lady một thời rộn rã tiếng cười.
Giao Chỉ, San Jose
irccsj@yahoo.com
Liên lạc Hoàng mộng Thu: HOANGMONGTHU@AOL.COMAi muốn giúp đỡ xin gọi cho cô Jenny Tran ở số miễn phí 1.800.593.6667 để biết thêm chi tiết về việc ghi danh và thử nghiệm tại các địa phương
Hoặc có thể đến chùa An Lạc tại San Jose:
1647 E. San Fernando Street
San Jose, CA 95116.
Tel. (408) 254-1710.
vào ngày Chủ Nhật 19 tháng 8 năm 2007 từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều
để ghi danh và lấy nước miếng thử nghiệm.
I think this will be useful in the future.
These facts and figures have been taken from National Marrow Donor Program (NMDP) and the Asian American Donor Program.
REGISTERED: – A total of 6,637,346 individuals are registered on the US Marrow Registry. – There are about 10 million total worldwide. – As of June 30, 2007, there are:- 7,914 (.1%) Vietnamese registered – 3,200 registered (.05%) in the “Other Southeast Asian” group – this includes Thais, Laosians, Indonesians, Cambodians etc. – 506,068 (7.6%) Asian Americans registered.
**There is a severe shortage of ethnic minorities on the registry.
TRANSPLANTS: – Since 1987, there have been: – 7 transplants for Vietnamese patients – 808 transplants for Asian Americans. – Over 23,400 patients have received Bone Marrow transplants with the assistance of the NMDP.
NO REGISTRY IN VIETNAM: Unfortunately, there isn’t a donor center in Vietnam. The closest country to Vietnam with a registry is Thailand. The Thai donor center information is: National Blood Centre, Thai Red Cross Society
1871 Henri Dunant Road, Pathumwan 10330 Bangkok, Thailand
TEL # +66-2-255-6925
No comments:
Post a Comment